Có một sự thật hiện nay chính là các mẹ bỉm sữa vẫn thường hay nhầm lẫn và khó phân biệt giữa cương sữa và tắc tia sữa. Bởi nhìn qua dấu hiệu của hai bệnh lý này thì “có vẻ” giống nhau nhưng sự thật là không! Vậy hãy cùng Mộc Hương đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé
Cương sữa sinh lý ở mẹ
Hiện tượng này thường xảy ra sau khi mẹ sinh bé từ 2-7 ngày, khi sữa già và bắt đầu “về” nhiều. Đây sẽ là lúc mẹ dễ bị nhầm với tắc sữa nhất và thường xử lý không đúng cách nên đã dẫn đến hậu quả sợ cho con bú, đau ngực, dễ từ bỏ sữa mẹ mà quay ra sử dụng sữa công thức. Với những biểu hiện như sau:
- Ngực mẹ nóng, đau nhức toàn bộ
- Khi hút, sữa ra rất ít hoặc hầu như là không ra sữa
- Ngực cương nặng và cứng
Tắc tia sữa
Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, khi cơ thể mẹ sản xuất lượng sữa nhiều hơn nhu cầu của con và mẹ không hút hay vắt bớt thì dễ dẫn đến tình trạng tắc sữa. Ngoài ra, cũng có thể là do cơ địa mẹ sữa đặc, ống dẫn sữa nhỏ hay do mẹ ăn nhiều chất béo động vật….Tắc tia sữa ở mẹ sẽ có những biểu hiện:
- Bầu ngực mẹ xuất hiện cục cứng, đau nhức tại cục, hút sữa ra kém, số lượng tia sữa ra không như bình thường
- Thường không xảy ra ngay sau sinh như cương sữa vì lúc này sữa mẹ chưa có nhiều
- Cơ thể mẹ có thể bị sốt nhẹ
Cách xử lý và phòng tránh cương sữa và tắc sữa
Cương sữa và tắc tia sữa sẽ thật sự gây nguy hiểm cho mẹ nếu như không được xử trí kịp thời, có thể dẫn tới áp xe vú nặng.
Đối với cương sữa sinh lý
Có rất nhiều cách để giúp mẹ giảm cương sữa sinh lý, ví dụ như:
- Mẹ cho con bú: giảm cương sữa sinh lý tốt nhất là mẹ hãy cho con bú thường xuyên. Một số mẹ có thể thấy đau, tuy nhiên sữa càng về nhiều thì càng căng tức. Do vậy, hãy cho bé bú thường xuyên và dùng tay bóp sữa trước khi cho con bú nhé
- Chườm lạnh: mẹ dùng khăn mát chườm lạnh hai vú giữa các lần bé bú hoặc hút sữa để làm giảm sưng và đau. Chườm lạnh vào ngực trong khoảng thời gian 5 phút.
- Sử dụng máy hút sữa: nếu như sữa mẹ quá nhiều mà không tiết ra có thể sử dụng máy hút sữa để làm giảm căng tức. Máy hút sữa có thiết kế kiểu phễu chụp làm bằng silicon sẽ giúp mát-xa, kích thích và duy trì tuyến sữa tiết ra đều đặn, nhẹ nhàng mà không gây đau.
Đối với tắc tia sữa
- Để phòng ngừa việc tắc tia sữa xảy ra, mẹ hãy cho con bắt đầu bú sớm trong vòng một giờ đầu sau khi sinh. Hãy đảm bảo bé ngậm bắt vú tốt và bế bé đúng tư thế khi bú.
- Khi mẹ bị tắc tia sữa, mẹ hãy cho con bú thường xuyên và bế bé đúng tư thế. Hãy thay đổi tư thế, các vị trí bú khác nhau để đảm bảo rằng các ống dẫn sữa được dọn sạch sẽ, giảm bớt cơn đau do căng sữa gây nên. Nếu bé không mút được hãy vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy hút sữa. Đắp ấm hoặc tắm nước ấm trước khi cho bé bú. Mát-xa nhẹ nhàng vùng vú, kích thích núm vú sẽ giúp bà mẹ thư giãn, nếu vú căng tức hãy chườm lạnh để giảm phù nề nhé
- Ngoài ra, để tránh tình trạng mẹ bị căng sữa sau sinh, các mẹ hãy lựa chọn những loại áo ngực loại dành riêng cho phụ nữ cho con bú. Áo ngực quá chật cũng sẽ tạo áp lực lên bầu ngực và làm cho bà mẹ thấy đau hơn.
Cương sữa và tắc tia sữa là hai tình trạng thường gặp đối với phụ nữ sau sinh, đang cho con bú. Nếu không được xử trí kịp thời, hay xử trí sai cách có thể dẫn tới áp xe vú và gây nguy hiểm cho mẹ.
Mong rằng qua bài viết trên sẽ “bỏ túi” cho mẹ thêm nhiều kiến thức thú vị và hữu ích! Cuối cùng, chúc mẹ và bé thật nhiều sức khỏe, luôn vui vẻ và hạnh phúc trong cuộc sống.